top of page

Hơn 80% sàn giao dịch bất động sản lay lắt vì COVID-19

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, do ảnh hưởng của COVID-19.


Theo Bộ Xây dựng, đại dịch khiến hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.


Cụ thể, có tới 28% đơn vị nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% còn khả năng chống đỡ nhưng không cao.


Thống kê cho thấy, hiện tại, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Quỹ lương ngày một cạn kiệt buộc các sàn phải cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

Hơn 80% sàn giao dịch bất động sản gặp khó vì COVID-19. (Ảnh minh họa)

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh nhưng với tình hình dịch bệnh trong Quý III/2021, các sàn giao dịch bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với các sàn quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, giá bất động sản quý III có diễn biến trái chiều giữa các địa phương. Cụ thể, giá rao bán căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Khánh Hòa giảm khoảng 2-4% so với quý II. Nhưng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà rịa – Vũng Tàu, giá rao bán căn hộ chung cư lại có xu hướng tăng. Trong đó, TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương tăng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5%. Giá đất nền cơ bản cũng không thay đổi so với quý trước. Tại miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, giá vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý II. Trong khi đó, tại miền Nam, đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP.HCM, các tỉnh giáp ranh. Mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh). Nhận định về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vẫn cho rằng, đây là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn. Cụ thể, nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó sẽ có xu hướng rót về bất động sản.

Nguồn: VTC News

bottom of page