top of page

Thị trường bất động sản còn điểm nghẽn nhưng sẽ sớm khởi sắc vào 2023

Mặc dù thị trường bất động sản được nhận định sẽ còn đối mặt với những khó khăn chồng chất, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng chậm nhất đến quý 4/2023 thị trường sẽ hồi phục trở lại.

Tháo gỡ được các điểm nghẽn, thị trường bất động sản sẽ vực dậy nhanh chóng. Ảnh: Anh Tú.
Tháo gỡ được các điểm nghẽn, thị trường bất động sản sẽ vực dậy nhanh chóng. Ảnh: Anh Tú.

Nút thắt vốn sẽ từng bước được tháo gỡ Thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2022 đối mặt nghịch lý lớn là lực cầu của thị trường rất mạnh, nhưng giao dịch sụt giảm. Theo các chuyên gia trong ngành, trong những điểm nghẽn kéo dài từ năm 2022, nguồn vốn là vấn đề khó khăn, thách thức nhất của thị trường BĐS. Tuy nhiên, nút thắt này sẽ từng bước được gỡ trong năm 2023, bởi mới đây, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác theo Quyết định 1435/QĐ-TTg nhằm rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Bên cạnh đó, Chính phủ có Công điện 1164/CĐ-TTg đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435/QĐ-TTg, trong đó đề cập việc các doanh nghiệp BĐS cần phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chưa dừng lại ở đó, nhiều công điện được gửi đến các bộ, ngành để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu... Hay vào tháng 12.2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm 1,5-2%, thay vì giữ mức tăng trưởng không quá 14% cho cả năm 2022 như kế hoạch trước đó. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, về cơ bản, vẫn nằm trong tổng lượng trần tín dụng 14% theo mục tiêu của năm nay, chứ không làm tăng thêm lượng tiền. Quyết định nới room từ Ngân hàng Nhà nước xuất phát từ việc hàng loạt các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỉ giá… đã diễn biến tích cực hơn. Theo ông Lực, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tức là người dân bắt đầu quay lại hệ thống ngân hàng để gửi tiền nhiều hơn so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, hàng loạt các ngân hàng như Vietcombank, Agribank, HDBank, SHB, VIB, ABBANK, Shinhan Việt Nam… đã cam kết giảm lãi vay. Động thái này được đánh giá sẽ giúp thị trường BĐS khởi sắc trở lại và phát triển ổn định hơn.

Nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh BĐS là yếu tố tạo động lực lớn cho thị trường. Ảnh: Anh Tú.
Nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh BĐS là yếu tố tạo động lực lớn cho thị trường. Ảnh: Anh Tú.

Quý 4/2023, thị trường có thể vực dậy TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định thị trường địa ốc 2023 sẽ có cơ hội để phục hồi dù còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Theo đó, khoảng cuối quý 2/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện trở lại, nguồn cung ra thị trường sẽ nhiều hơn. Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, tháo gỡ được những vướng mắc mà thị trường đang gặp phải gồm pháp lý, điểm nghẽn về vốn, củng cố niềm tin… thị trường chắc chắn sẽ cân bằng trở lại. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp khơi thông, Nhà nước vẫn phải đi kèm với các chính sách kiểm soát cần thiết để đảm bảo thị trường BĐS phát triển một cách hiệu quả, bền vững. “Hiện nay, nhu cầu phát triển đô thị cao, đầu tư hạ tầng diễn ra mạnh, cùng với đó nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh BĐS lại rất cao. Đây là những yếu tố tạo nên động lực rất lớn cho khả năng hồi phục của thị trường”, ông Đính chia sẻ. TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, nếu bây giờ Chính phủ tháo gỡ được những vướng mắc cho thị trường BĐS thì khả năng phục hồi trong năm 2023 sẽ rất nhanh, chậm nhất là quý 4/2023, thị trường BĐS sẽ có thể vực dậy.

Theo: Lao Động https://laodong.vn/bat-dong-san/thi-truong-bat-dong-san-con-diem-nghen-nhung-se-som-khoi-sac-vao-2023-1135121.ldo

bottom of page